Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Bí quyết thi năng khiếu ngành sư phạm mầm non

Kì thi đại học sắp diễn ra nhưng nhiều bạn đã chọn ngành sư phạm vẫn rối bời với phần thi năng khiếu.
Chọn thi ngành sư phạm mầm non nhưng Xuân Trang vẫn không biết mình sẽ thi những gì và thi như thế nào trong phần năng khiếu. Không riêng gì Xuân Trang mà còn rất nhiều bạn đã gửi thư đến Mực Tím thắc mắc nội dung này. Đó là các bạn Chiêu (Hà Giang), Ngọc Liên, Hoàng Linh, Thu Nga (Cai Lậy, Tiền Giang), Thu Hà (Từ Liêm, Hà Nội), Hải Yến (Đức Linh, Bình Thuận), Thảo Sương (Quy Nhơn, Bình Định)…Trong khi đó, nhiều bạn khác thì bày tỏ băn khoăn về chuyện phải lựa chọn bài hát như thế nào cho phù hợp, trang phục ra sao, có được chuẩn bị bài thi năng khiếu ở nhà, có hát với nhạc đệm không, đọc kém làm thế nào để thi tốt, phần năng khiếu có thẩm âm không…MTO đã gửi những thắc mắc của các bạn choThS Nguyễn Anh Trường (Phó Trưởng bộ môn, Khoa Sư phạm mầm non, Đại học Sư phạm TP.HCM) và được thầy tư vấn như sau:

- Phần thi năng khiếu vào khoa Sư phạm mầm non Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sẽ gồm 2 môn Nhạc và Văn. Ở môn Nhạc, thí sinh sẽ hát một bài hát tự chọn (bất cứ thể loại nào trừ cải lương, tuồng cổ, chèo, hò), các bài hát phải được phép lưu hành. Mục tiêu của phần thi này là kiểm tra chất giọng của thí sinh có phù hợp để trở thành giáo viên mầm non không nên các bạn sẽ hát không có nhạc đệm. Lưu ý, nếu bài hát bạn chọn không được phép lưu hành thì thầy cô có thể yêu cầu bạn hát ca khúc.
Còn với môn văn thì bạn sẽ phải đọc diễn cảm một bài thơ, kể một câu chuyện. Thông thường phần thi này do thí sinh tự chuẩn bị nhưng trong một số trường hợp, ban giám khảo có thể gợi ý cho thí sinh. Giám khảo cũng có thể sẽ đặt một vài câu hỏi để kiểm tra khả năng cảm thụ, diễn đạt bằng lời nói của bạn trong phần thi này.
- Một thay đổi đáng chú ý trong kì thi năm nay là phần thi thẩm âm, tiết tấu đã được loại bỏ.
ThS Nguyễn Anh Trường cũng đưa ra những lời khuyên giúp các thí sinh hoàn thành tốt phần thi:
- Hãy luôn nhớ rằng, bạn chỉ có khoảng 3 phút để “tỏa sáng” trước giám khảo. Thầy cô chỉ đánh giá khả năng mà bạn thể hiện trong 3 phút đó nên cần phải hết sức bình tĩnh, tập trung tối đa, phát huy tốt nhất khả năng của mình.
- Nên cố gắng chọn bài hát phù hợp với chất giọng của mình. Thường, các bạn có xu hướng chọn những bài khó để khoe giọng. Nhưng đó là lựa chọn vô cùng mạo hiểm vì bạn rất dễ thể hiện không thành công. Phần thi này giám khảo chủ yếu chỉ đánh giá chất giọng chứ không đòi hỏi phong cách biểu diễn hay “đẳng cấp” xử lí của bạn như các cuộc thi ca hát. Vì thế, chỉ nên chọn bài sao cho mình cảm thấy thoải mái nhất khi hát. Hãy tự nhủ bản thân: “thà hát tốt một bài hát dễ còn hơn hát dở một bài hát khó”.
Theo cô Nguyễn Thị Thanh Hoa (giảng viên dạy thực hành mầm non tại KonTum) thì khi đến thi, bạn nên ăn mặc nghiêm túc, đừng “diện” những bộ cánh phản cảm, trống trước hở sau.
- Nhiều bạn có thói quen trong lúc ngồi chờ thi trò chuyện với mọi người xung quanh để tăng tự tin. Nhưng khi thi năng khiếu mầm non thì điều này không nên chút nào. Nó có thể làm bạn mất giọng khi thi. Tóm lại trước và trong những ngày thi nên hạn chế nói nhiều.
- Chú ý giữ sức khỏe, ăn ngủ đủ giấc. Khi thi, nhớ mang theo nhiều nước vì bạn có thể ngồi chờ khá lâu mới đến lượt mình vào thi. Tuyệt chiêu giúp bạn giữ giọng tốt là uống nước chanh ấm, tuyệt đối không uống cà phê, nước trà.
Theo hướng dẫn thi môn năng khiếu ngành giáo dục mầm non và giáo dục đặc biệt của trường Cao đẳng sư phạm Trung ương TP.HCM thì các thí sinh sẽ trải qua những nội dung thi như sau: môn Hát (hát một ca khúc hoặc một bài hát dân ca không nhạc đệm, không hát các bài thuộc thể loại tuồng, chèo, cải lương); môn Múa (múa một bài tự chọn, có thể vừa múa vừa hát hoặc sử dụng nhạc đệm cho múa, nếu thí sinh không có bài múa tự chọn thì sẽ thực hiện động tác múa theo hướng dẫn/làm mẫu của ban giám khảo); môn đọc diễn cảm (thí sinh bốc thăm đề thi và làm theo yêu cầu của đề, đề thi có thể là một câu chuyện hoặc một bài thơ, thí sinh có 3 phút để chuẩn bị phần đọc của mình, khi đọc, chú ý 3 yếu tố: phát âm, chất giọng và diễn cảm); Biểu diễn nhạc cụ (không bắt buộc)
TRÀ NGUYỄN thực hiện

0 nhận xét:

Đăng nhận xét